Tóm tắt nội dung
Gian lận trên báo cáo tài chính là gì? Các doanh nghiệp thường sử dụng các thủ thuật nào để gian lận báo cáo tài chính. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số thủ thuật gian lận phổ biến trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.
Gian lận được hiểu là hành vi cố ý do một hay nhiều người trong ban quản trị (BQT)/ Ban giám đốc (BGĐ), các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện các hành vi gian dối để thu lợi bất chính, hoặc bất hợp pháp.
Ví dụ như: giả mạo hồ sơ, cố ý không ghi chép các giao dịch, hoặc cố ý cung cấp các bằng chứng sai cho kiểm toán viên…
Một số gian lận phổ biến trên báo cáo tài chính
Ghi nhận doanh thu không có thật (khai khống doanh thu)
Nhằm thổi phồng doanh thu và lợi nhuận trên báo cáo tài chính (BCTC), các doanh nghiệp sử dụng thủ thuật ghi khống doanh thu không có thật, bằng cách:
– Ghi nhận nghiệp vụ bán hàng không có thật bằng cách lập chứng từ bán hàng cho khách hàng giả nhưng không giao hàng hóa, hoặc thực hiện bút toán bán hàng khống vào cuối niên độ và ghi nhận bút toán hàng bán bị trả lại vào đầu niên độ sau.
– Khai khống doanh thu bằng cách cố ý ghi tăng các yếu tố trên hóa đơn bán hàng về số lượng, đơn giá.
– Thực hiện hợp đồng bán hàng cho một số công ty “sân sau” nhằm tăng doanh số tạm thời, tạo nhu cầu và giá bán ảo cho hàng hóa của công ty.
Che dấu công nợ và chi phí
Nhằm giảm chi phí trên BCTC để khai khống lợi nhuận, doanh nghiệp có thể che dấu không ghi nhận công nợ và chi phí.
Có ba phương pháp để che dấu công nợ và chi phí nhằm khống lợi nhuận như sau:
– Không ghi nhận công nợ và chi phí trong kỳ hoặc không trích lập đầy đủ các khoản dự phòng, ví dụ BCTC năm 2005 của CTCP Bông Bạch Tuyết không trích lập dự phòng hàng tồn kho, thay đổi chính sách khấu hao và không hạch toán chi phí quảng cáo sản phẩm đã chi trong năm
– Vốn hóa chi phí, ví dụ BCTC 2002 của CTCP Bibica ghi nhận vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang phần chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ 5,5 tỷ
– Không ghi nhận nghiệp vụ hàng bán bị trả lại, các khoản giảm trừ và không trích trước chi phí;
Định giá sai tài sản
Một số tài sản được trình bày trên BCTC không đúng với giá trị thực tế của tài sản, ví dụ:
– Đối với Hàng tồn kho: doanh nghiệp không trích lập dự phòng giảm giá HTK cho hàng bị hư hỏng, lỗi thời, không còn giá trị sử dụng
– Đối với nợ phải thu khách hàng: doanh nghiệp không trích lập hoặc trích lập không đầy đủ dự phòng nợ phải thu khó đòi
– Định giá sai các tài sản mua qua hợp nhất kinh doanh
Ghi nhận sai kỳ
Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và chi phí không được ghi vào đúng kỳ mà nó phát sinh. Doanh thu hoặc chi phí của kỳ này có thể được ghi nhận sang kỳ kế tiếp hoặc ngược lại nhằm mục đích tăng hoặc giảm lợi nhuận theo mong muốn.
Công bố thông tin không đầy đủ
Doanh nghiệp có thể che dấu hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin trên thuyết minh BCTC nhằm hạn chế khả năng phân tích của người sử dụng BCTC.
Các thông tin thường không đựợc khai báo đầy đủ trong thuyết minh như: nợ tiềm tàng, các hợp đồng ủy thác, thông tin về bên có liên quan, những thay đổi về chính sách kế toán…
Một số dấu hiệu nhận biết gian lận trên báo cáo tài chính
– Doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu phức tạp, sở hữu chéo, thành lập nhiều SPV (là những công ty con được thành lập để thực hiện một nhiệm vụ nào đó).
– Doanh nghiệp có lợi nhuận vượt trội trong lĩnh vực hoạt động thông thường, không đặc sắc
– Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên tục âm, được bù đắp bằng dòng tiền từ hoạt động tài chính (ví dụ tăng vốn)
– Lợi nhuận cao bất thường trước các đợt tăng vốn, lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ việc bán tài sản, thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng ủy thác, giao dịch với các bên liên quan
– Doanh nghiệp hay thay đổi người đại diện theo pháp luật, Kế toán trưởng.