Tóm tắt nội dung
Theo quy định hiện hành về pháp luật kế toán thì đơn vị tiền tệ được sử dụng trong kế toán như thế nào? Quy định cụ thể ra sao? Bài viết này sẽ làm rõ quy định về đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán tại Việt Nam.
Quy đinh về tiền tệ trong hệ thống Kế toán Việt Nam
Căn cứ theo Điều 3 tại thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về tiền tệ:
“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.
Lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán
Theo điều 4 tại thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về lựa chọn đơn vị tiền tệ:
1. Doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ căn cứ vào quy định của Luật Kế toán, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
2. Đơn vị tiền tệ trong kế toán là đơn vị tiền tệ:
a) Được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của đơn vị, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ và thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để niêm yết giá bán và được thanh toán;
b) Được sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hóa, dịch vụ, có ảnh hưởng lớn đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán cho các chi phí đó.
c) Đơn vị tiền tệ sử dụng để huy động được nguồn lực về tài chính cho doanh nghiệp. Ví dụ như thực hiện phát hành cổ phiếu và phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp thường xuyên thu được đơn vị tiền tệ này từ các hoạt động như kinh doanh hay hoạt động tích trữ lại.
d) Đơn vị tiền tệ này có thể phản ánh được các sự kiện, các điều kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến đơn vị.
Chuyển đổi Báo cáo tài chính lập bằng đơn vị tiền tệ là ngoại tệ sang Đồng Việt Nam
Đối với các doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán thì bên cạnh việc lập BCTC theo ngoại tệ, đơn vị còn phải chuyển đổi BCTC sang Đồng Việt Nam khi công bố và nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Khi chuyển đổi BCTC được lập bằng đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam, kế toán phải quy đổi các chỉ tiêu trên BCTC theo nguyên tắc sau:
– Tài sản và nợ phải trả được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ (là tỷ giá chuyển khoản của NHTM nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm báo cáo);
– Vốn chủ sở hữu được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày góp vốn;
– Chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sản được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày đánh giá;
– Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phát sinh sau ngày đầu tư được quy đổi ra Đồng Việt Nam bằng cách tính toán theo các khoản mục của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
– Lợi nhuận, cổ tức đã trả được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày trả lợi tức, cổ tức;
– Các khoản mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp tỷ giá bình quân kỳ kế toán xấp xỉ với tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch (chênh lệch không vượt quá 3%) thì có thể áp dụng theo tỷ giá bình quân (nếu lựa chọn).
– Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi chuyển đổi BCTC được lập bằng đồng ngoại tệ ra Việt Nam Đồng được ghi nhận trên chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” – Mã số 417 thuộc phần vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán.
Khi chuyển đổi BCTC được lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam, doanh nghiệp phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh BCTC những ảnh hưởng (nếu có) do việc chuyển đổi BCTC từ ngoại tệ sang Đồng Việt Nam.
Thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán
Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, khi có sự thay đổi lớn về hoạt động quản lý và kinh doanh dẫn đến đơn vị tiền tệ được sử dụng trong các giao dịch kinh tế không còn thoả mãn các tiêu chuẩn thì doanh nghiệp được thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.
Việc thay đổi từ một đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán này sang một đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán khác chỉ được thực hiện tại thời điểm bắt đầu niên độ kế toán mới.
Sau khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là sau 10 ngày làm việc kể từ bắt đầu sử dụng đơn vị tiền tệ mới.
Tại kỳ đầu tiền khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư sang đơn vị tiền tệ mới theo tỷ giá chuyển khoản của NHTM mà doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch.
Doanh nghiệp phải trình bày rõ trên Thuyết minh BCTC lý do thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán và những ảnh hưởng (nếu có) đối với BCTC.
Kiểm toán Báo cáo tài chính trong trường hợp sử dụng đơn vị tiền tệ trong kế toán là ngoại tệ
Theo điều 6 tại thông tư 200/2014/TT-BTC quy định:
Báo cáo tài chính mang tính pháp lý để công bố ra công chúng và nộp các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam là Báo cáo tài chính được trình bày bằng Đồng Việt Nam và phải được kiểm toán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thông tư 200/2012/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp