Tóm tắt nội dung
Nếu bạn là chủ doanh nghiệp hay nhà đầu tư mà không biết được giá trị doanh nghiệp mình đang nắm giữ trị giá như thế nào thì có lẽ bạn đang bỏ sót một thứ rất quan trọng. Vậy phương pháp thẩm định giá trị doanh nghiệp là gì? Đâu là công cụ để xác định được giá trị doanh nghiệp?
Nhìn chung, các phương pháp thẩm định giá (TĐG) tài sản nói chung và thẩm định giá trị doanh nghiệp (TĐGTDN) nói riêng đều được xây dựng dựa trên ba (3) cách tiếp cận sau:
- Cách tiếp cận chi phí (thể hiện là nhóm phương pháp phân tích tài sản)
- Cách tiếp cận thu nhập (thể hiện là nhóm phương pháp chiết khấu dòng tiền)
- Cách tiếp cận thị trường (thể hiện là nhóm phương pháp so sánh tỷ số)
Mỗi cách tiếp cận, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, hạn chế và được áp dụng trong các tình huống cụ thể khác nhau. Sau đây bài viết sẽ đi khái quát chung về các phương pháp TĐGTDN tương ứng với các cách tiếp cận nêu trên.
1. Nhóm phương pháp phân tích tài sản
Phương pháp tài sản dựa trên cơ sở cho rằng: hoạt động của DN luôn được tiến hành trên cơ sở một lượng tài sản có thực. Vì thế, GTDN được xác định trên cơ sở tổng giá trị các tài sản hiện có mà DN hiện đang quản lý và sử dụng.
Phương pháp này khá thích hợp với những DN nhỏ, ít tài sản, giá trị các yếu tố vô hình là không đáng kể, các DN có chiến lược kinh doanh không rõ ràng và thiếu căn cứ xác định các khoản thu nhập trong tương lai.
Ngoài ra, phương pháp này còn phát huy ưu điểm khi xác định giá trị cho những DN “có vấn đề” đang trong giai đoạn thua lỗ. Viêc dự đoán dòng tiền tương lai đối với các DN như thế này là rất khó khăn vì DN có khả năng phá sản bất cứ lúc nào. Do đó việc sử dụng phương pháp tài sản trở thành sự lựa chọn tối ưu.
Phương pháp giá trị tài sản đã chứng minh được: GTDN là một lượng tài sản có thật, chỉ ra được mức giá tối thiểu của DN, là cơ sở đầu tiên để các bên đưa ra trong quá trình đàm phán, giao dịch về GTDN.
Tuy nhiên, phương pháp tài sản cũng có hạn chế là đánh giá DN trong trạng thái tĩnh, không coi DN là một tổ chức đang tồn tại và còn có thể hoàn chỉnh cũng như phát triển trong tương lai. Thêm vào đó, phương pháp này không cung cấp và xây dựng được những cơ sở thông tin cần thiết để các bên liên quan đánh giá được triển vọng về khả năng sinh lời của DN; bỏ qua phần lớn các yếu tố phi vật chất nhưng lại có giá trị thực sự và nhiều khi lại chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá trị DN như: DN có thương hiệu mạnh, trình độ quản lý, trình độ công nhân, uy tín cũng như thị phần của DN…Đó có thể là những DN có tài sản không đáng kể nhưng triển vọng sinh lời lại rất cao.
Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng phương pháp này lại trở nên quá phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian.
2. Nhóm phương pháp chiết khấu dòng tiền
Phương pháp này xác định GTDN dựa trên dòng thu nhập trong tương lai mà DN mang lại. Tùy thuộc vào từng nhà đầu tư và cách nhìn nhận lợi ích (dòng tiền) DN đem lại mà phương pháp CKDT có thể được vận dụng với nhiều phương pháp cụ thể khác nhau. Có thể kể đến một số phương pháp phổ biến như: phương pháp chiết khấu lợi nhuận thuần, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần của DN (FCFF), phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần vốn CSH (FCFE).
Phương pháp CKDT phù hợp với cách nhìn nhận của nhà đầu tư đa số: khi đánh giá GTDN phải xem xét về dòng tiền phát sinh. Vì thế đánh giá giá trị DN theo phương pháp này có sức thuyết phục khá cao và tỏ ra là một phương pháp khá hợp lý đối với nhà đầu tư đa số.
Phương pháp này đã trả lời cho câu hỏi do đâu mà giá trị các DN khác nhau mà vì sao người ta lại trả giá cao hơn cho DN này mà không phải là DN kia. Đây chính là ưu điểm của phương pháp hiện tại hóa dòng tiền thuần mà các phương pháp khác không thể giải thích được.
Phương pháp CKDT xác định được giá trị của DN khi các phương pháp khác không thể làm được ví dụ như: các công ty trẻ, mới thành lập…hay phản ánh được đầy đủ giá trị của DN trong khi lượng tài sản có thực của DN không nhiều ví dụ như: các công ty tài chính, dịch vụ, ngân hàng, chứng khoán…
Tuy nhiên, việc ước lượng các tham số trong các mô hình CKDT là điều hoàn toàn không dễ dàng, việc dự báo được dòng tiền vào và dòng tiền ra của DN cũng khá phức tạp.
Ngoài ra, mô hình này có nhiều hạn chế đối với các DN nhỏ không có chiến lược kinh doanh hoặc chiến lược kinh doanh không rõ ràng.
Bên cạnh đó, phương pháp CKDT thuần đòi hỏi một lượng thông tin lớn cũng như phải đạt được một mức độ tin cậy nhất định vì việc dự báo các dòng tiền phải dựa trên cơ sở phân tích các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô, vi mô ra sao cũng như các yếu tố nội tại của DN như thế nào.
3. Nhóm phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh là cách ước tính giá trị của một DN hoặc các lợi ích về quyền sở hữu hay chứng khoán bằng cách sử dụng một hay nhiều phương pháp, trong đó so sánh giá trị của đối tượng cần thẩm định với các DN tương tự được mua bán trên thị trường.
Theo phương pháp này, GTDN được ước tính dựa trên giá trị của các tài sản so sánh. Các tài sản so sánh này được chuẩn hóa theo một biến số chung như: thu nhập, giá trị sổ sách, doanh thu. Các phương pháp so sánh hệ số thường gặp là: P/E (hệ số giá trên thu nhập), P/B (hệ số giá trên giá sổ sách) và P/S (hệ số giá trên doanh thu).
Nếu như thị trường hoàn hảo và cực kỳ phát triển thì phương pháp này hoàn toàn chiếm ưu thế so với các phương pháp khác vì độ nhanh chóng, giúp người sử dụng thông tin có thể đưa ra các quyết định kịp thời- điều mà các phương pháp khác khó lòng làm được.
Tuy nhiên, nhóm phương pháp so sánh này mang nặng tính kinh nghiệm. Ngay cả với một thị trường được tổ chức tốt thì phương pháp này cũng không thuyết phục được các nhà đầu tư rằng: giá cả giao dịch đó chỉ là mức giá trả cho lợi nhuận từ DN chứ không phải trả cho các yếu tố đầu cơ trên thị trường.
Bên cạnh đó, phương pháp này cũng không đưa ra được những cơ sở để các nhà đầu tư phân tích và đánh giá về khả năng tăng trưởng và rủi ro tác động tới GTDN. Hơn nữa, nhóm phương pháp so sánh có một giới hạn dễ thấy đó là: không thể định giá được các DN không có chứng khoán giao dịch trên thị trường vì khi đó sẽ khó tìm thấy được các DN tương đồng, có thể so sánh được với DN cần TĐG.
Bài viết đã khái quát về các phương pháp TĐGTDN hiện nay. Hiểu và sử dụng khéo léo các phương pháp này với tư cách là nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp hoặc người quản lý sẽ giúp họ tìm thấy và đánh giá đúng được cơ hội đầu tư; vượt lên trước đối thủ, chuẩn bị và lên kế hoạch tốt hơn cho các sự kiện và cơ hội kinh doanh trong tương lai.