Tóm tắt nội dung
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Vào đầu năm 2020, sự bùng nổ của COVID-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số cả khu vực công và khu vực tư nhân ở tất cả các lĩnh vực và ngành nghề. Quản trị nhân lực cũng không nằm ngoài xu hướng đó.Theo Vial (2019), chuyển đổi số là “quá trình nhằm cải thiện một thực thể bằng cách tạo ra những thay đổi đáng kể đối với các thuộc tính của nó thông qua sự kết hợp của công nghệ thông tin, máy tính, truyền thông và kết nối”. Đây là quá trình có kết hợp của công nghệ trong công việc của người lao động. Người lao động bằng năng lực của mình kiểm soát và sử dụng công nghệ. Công nghệ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực, đem lại lợi ích cao cho người lao động và tổ chức.
Tuy nhiên, để làm được điều này, người lao động phải có trình độ, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và Internet. Nếu không, họ sẽ không thích nghi và đáp ứng được với yêu cầu của công nghệ số, và có thể bị đào thải, dẫn đến thiếu việc làm, thất nghiệp. Thách thức chung của nhiều quốc ra trên thế giới khi bước vào công cuộc chuyển đổi số là sự khan hiếm về nhân lực chất lượng cao, có khả năng điều hành và sử dụng công nghệ một cách thành thạo.
Yêu cầu của nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số
Yêu cầu về kỹ năng cứng: nắm vững, thuần thục khối kiến thức cơ bản và nâng cao; thành thạo kỹ năng phân tích, tổng hợp, dự báo; thuần thục trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; nhuần nhuyễn trong thực hiện quy trình, nội dung kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh trong tổ chức, triển khai hoạt động đảm nhiệm; phân tích, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân vấn đề và đề xuất các giải pháp xử lý tình huống; giải quyết xung đột giữa các chủ thể; Thành thạo việc tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ.
Yêu cầu về kỹ năng mềm, kỹ năng số: lực lượng nhân sự cần có năng lực ngoại ngữ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, Internet, thương mại điện tử; sử dụng các trang, thiết bị công nghệ cao phục vụ nghiệp vụ;…
Những thách thức trong quản trị nhân lực giai đoạn chuyển đổi số
Trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay, để đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng đòi hỏi người lao động cần phải giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ, cảm xúc, đánh giá và đưa ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức… Do đó, có nhiều thách thức cần phải được nhìn nhận, đối diện để tìm ra cách thích ứng như:
Thứ nhất, chuyển đổi số làm chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế. Chuyển đổi số đã cho ra đời các hệ thống tự động hóa và robot thông minh. Các hệ thống này sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế, gây áp lực lớn đối với thị trường lao động. Các quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và gia tăng tình trạng thất nghiệp.
Hiện nay, dù nguồn nhân lực tương đối dồi dào nhưng lực lượng lao động tay nghề cao, am hiểu về khoa học công nghệ chưa nhiều. Những công việc mang tính chất dập khuôn, lặp lại đơn giản mà đa phần lao động chưa qua đào tạo Việt Nam đang đảm nhận sẽ dần được thay thế bởi máy móc trong tương lai.
Thứ hai, thị trường lao động phân hóa mạnh mẽ: Trong giai đoạn chuyển đổi số, lao động mà tay nghề, trình độ thấp phải là lợi thế cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới. Hàng loạt nghề nghiệp cũ mất đi, thị trường lao động quốc tế sẽ phân hóa mạnh giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao .
Cùng với đó, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (robot thông minh) cũng làm giảm nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng thấp. Đặc biệt, chuyển đổi số còn đe dọa việc làm của những lao động có kỹ năng bậc trung, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới – kỹ năng sáng tạo.
Thứ ba, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng cấp thiết. Chuyển đổi số yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao, trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam hiện nay lại thiếu hụt cả về số lượng và kỹ năng tay nghề.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng số nhưng nhân lực chất lượng cao trong các ngành công
nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam đang quá ít.
Thứ tư, cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực rõ nét trong một số khu vực. Trước hết, cạnh tranh sẽ xảy ra trong một số lĩnh vực công nghệ, trong một số cơ quan hành chính Nhà nước, trong các doanh nghiệp FDI khi các đơn vị này đang bắt đầu ứng dụng rộng rãi công nghệ vào thực tiễn, tạo áp lực tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực liên quan.
Những kỹ năng cần thiết cho nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia chuyển đổi số sẽ là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ, cảm xúc, đánh giá và đưa ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức.
Kết luận
Nhân lực được xem là yếu tố quan trọng và có ý nghĩa hàng đầu cho sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi ngành. Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin và Internet, để biến những thách thức thành cơ hội, quản trị nhân lực rất cần có sự tham gia của Nhà nước, các Bộ, Ngành liên quan và chính bản thân đơn vị, người lao động trong việc đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng năng lực hoàn thiện những kỹ năng mới để có thể tìm được cơ hội việc làm, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực khi chuyển đổi số diễn ra.