Tóm tắt nội dung
Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2022 và chính thức áp dụng vào năm 2025, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Vậy các doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì khi chuyển đổi VAS sang IFRS trong thời kỳ sắp tới? Mời bạn cùng Viện Quản trị số tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
IFRS là gì?
IFRS được hiểu là các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế – International Financial Reporting Standards được ban hành bởi International Accounting Standards Board – IASB với mục tiêu đem tới một ngôn ngữ kế toán chung của toàn cầu. Hiện nay, các chuẩn mực IFRS đã được công nhận tại 166 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới. Với 144 quốc gia bắt buộc áp dụng, còn lại đã cho phép và đang trong lộ trình chuẩn bị áp dụng.
Vì sao doanh nghiệp phải áp dụng IFRS trong thời gian tới?
Doanh nghiệp muốn bước ra thị trường thế giới, tận dụng những lợi ích thu được từ các khoản đầu tư của nước ngoài. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư tận dụng nguồn vốn, tìm nơi có tỷ suất sinh lời cao và tránh rủi ro về địa chính trị. Do đó nhu cầu chuẩn hóa hệ thống báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế, để kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng khi cơ hội gõ cửa.
Khó khăn khi doanh nghiệp phải chuyển đổi báo cáo tài chính
Thời gian qua, do tác động tiêu cực của dịch bệnh phải cắt giảm nhân sự, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải xin “hoãn” nghĩa vụ công bố thông tin thông thường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp rơi vào “thảm cảnh” thua lỗ, chi phí cũng là một vấn đề lớn. Điều đó gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong vấn đề chuyển đổi báo cáo tài chính (BCTC).
Thứ nhất là doanh nghiệp e ngại về nhân lực và chi phí đầu tư, yêu cầu khắt khe về tính tuân thủ hạch toán, dự phòng tài chính, tính minh bạch,… Chi phí cho việc lập BCTC theo IFRS là rất lớn, từ thuê kiểm toán, tư vấn, thuê tổ chức định giá, đến đào tạo nhân viên nên có một số phần doanh nghiệp chưa có điều kiện để thuê tổ chức định giá, do chi phí này hiện tại ở Việt Nam là khá lớn và có ít đơn vị có thể thực hiện được. Việc tuyển dụng được cán bộ có kinh nghiệm về IFRS tại Việt Nam không hề dễ dàng, do vậy đội ngũ cán bộ làm Báo cáo tài chính theo IFRS còn chưa nhiều cả về kinh nghiệm và kiến thức.
Thứ hai là vướng mắc về hệ thống: Hệ thống phần mềm kế toán tại các doanh nghiệp hiện nay được các công ty mua từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm, chưa hoàn toàn đồng bộ và chưa có tính năng để nhập các bút toán chuyển đổi theo IFRS. Do vậy, việc chuyển đổi theo IFRS đều phải tiến hành thủ công dẫn đến mất nhiều công sức và có thể mắc phải những nhầm lẫn trong quá trình tính toán. Đặc biệt đối với các tập đoàn thì lượng dữ liệu tại một số công ty con tương đối lớn và phức tạp nên khá khó khăn và mất thời gian trong việc thu thập và xử lý cho nhu cầu sử dụng trong chuyển đổi IFRS.
Thứ ba là các quy định và chuẩn mực: Các quy định về hạch toán kế toán, thuế và luật khác trong VAS cũng như các chuẩn mực của IFRS thường xuyên được sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới, trong khi ở Việt Nam nguồn tài liệu phân tích và hướng dẫn về chuyển đổi theo IFRS rất ít (gần như không có), nên việc cập nhật áp dụng cũng khá khó khăn.
Không những thế, sự khác biệt giữa IFRS và VAS trong cách tính lợi nhuận chịu thuế . những khó khăn do khác biệt giữa hai chuẩn mực có thể ảnh hưởng đến điều kiện chào bán theo Luật Chứng khoán, điều kiện niêm yết lần đầu, hay việc chia cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, liên quan đến quyền lợi cổ đông,…
Thứ tư là sự phối kết hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp: Sự phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp chưa đáp ứng ngay khi áp dụng IFRS. Khác biệt giữa VAS và IFRS có liên quan đến quy trình kinh doanh, vì thế doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ. Ví dụ, phòng kế toán cần xác định những thông tin nào cần phải có để kế toán theo IFRS mà hiện thời hệ thống báo cáo theo VAS chưa có và phối hợp với phòng bán hàng, pháp chế rà soát và sửa đổi các điều khoản của hợp đồng bán hàng, mua hàng, hợp đồng vay, thuê tài sản,…
Những điều kiện để áp dụng thành công
Các doanh nghiệp triển khai IFRS thành công thường gắn liền với việc triển khai phần mềm ERP (Enterprise resource planning – Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) để nâng cấp hệ thống tài chính kế toán phù hợp với yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp. Vì phân hệ tài chính – kế toán trong ERP có thể đáp ứng quy trình thu thập và xử lý thông tin đảm bảo việc tạo lập dữ liệu cho mục đích lập báo cáo tài chính theo IFRSs
Về phía các doanh nghiệp
Thứ nhất, cần nhận thức rõ vai trò của IFRS đối với doanh nghiệp và coi đây là một chiến lược quản lý từ đó có kế hoạch cụ thể để chủ động áp dụng IFRS. Ưu tiên đầu tư đào tạo IFRS cho đội ngũ nhân viên kế toán thông qua việc tham gia các khóa học, mời chuyên gia IFRS đến tư vấn tại doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp. Đầu tư công nghệ thông tin đủ mạnh để hỗ trợ việc thu thập, xử lý thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp; mua sắm phần mềm kế toán phù hợp với IFRS.
Thứ hai, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình chuyển đổi và ngân sách dành cho việc chuyển đổi; đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức bộ máy kế toán và xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp; chuyển đổi số. Chuẩn bị nền tảng kỹ thuật cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS. Trong đó, đào tạo IFRS là rất quan trọng vì cần một khoảng thời gian đủ dài để có thể đào tạo nguồn nhân lực am hiểu và áp dụng được IFRS.
Thứ ba, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và lựa chọn đội ngũ tư vấn đủ năng lực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai áp dụng IFRS, giúp doanh nghiệp “làm đúng ngay từ đầu” các yêu cầu cần thiết khi áp dụng IFRS. Thuê đơn vị tổ chức có chuyên môn, kinh nghiệm để tiến hành rà soát số liệu, quy trình chuyển đổi sang IFRS nhằm chấn chỉnh các bất cập và rút kinh nghiệm cho các kỳ sau cũng là một việc làm cần thiết.
Làm việc với các đơn vị tư vấn, kiểm toán có nhiều kinh nghiệm về kiểm toán báo cáo tài chính hoàn thiện theo IFRS để có được sự hỗ trợ kịp thời đối với những vấn đề kỹ thuật trọng yếu khi lập báo cáo tài chính theo IFRS.
Thứ tư, phối hợp với các công ty cung cấp giải pháp phần mềm thực hiện ứng dụng Kế toán online đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nghiệp vụ của doanh nghiệp. Phần mềm này được thiết kế để xử lý tự động các hóa đơn đầu vào, liên kết chặt chẽ với các hệ thống khác như nhân sự, marketing, bán hàng,… để có thể ghi nhận dữ liệu doanh thu, chi phí một cách hoàn toàn tự động.
Bên cạnh đó, phần mềm cũng có nhiều tính năng thông minh khác như: kết nối với cơ quan Thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng,… để người dùng chỉ cần thao tác trên một phần mềm thay vì phải giao dịch trên nhiều ứng dụng khác nhau làm mất thời gian và dễ sai sót.
Về phía người làm kế toán
Thứ nhất, cần chuẩn bị và nhận thức được kiến thức về nguyên lý kế toán mà IFRS áp dụng, để hiểu được những vấn đề cơ bản về kế toán. Nắm bắt rõ nguyên lý kế toán vì nó đóng vai trò quan trọng, xuyên suốt trong quá trình tác nghiệp tại đơn vị. Các việc lập và trình bày báo cáo tài chính sẽ đều gắn liền với nguyên lý, khuôn mẫu kế toán.
Thứ hai, do phương pháp kế toán là khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của bất cứ ai mà chỉ bị ảnh hưởng bởi bản chất và cách thức vận hành của các giao dịch kinh tế, nên người làm kế toán phải được trang bị các kiến thức và có hiểu biết về giao dịch kinh tế, tài chính chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức ghi chép sổ sách. Do sự đa dạng của thực tiễn, nhiều giao dịch kinh tế phát sinh không được hướng dẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật nên người làm kế toán cần phải biết lựa chọn các nguyên tắc kế toán phù hợp để phản ánh giao dịch kinh tế phát sinh, vận dụng các nguyên tắc lý thuyết của chuẩn mực vào từng tình huống cụ thể của thực tiễn đơn vị;
Thứ ba, người làm kế toán phải hiểu được yêu cầu của người sử dụng báo cáo tài chính để có thể cung cấp thông tin tài chính hữu ích. Như trên đã nói, phần lớn dữ liệu đầu vào cho kế toán không xuất phát từ bộ phận kế toán, như vậy người làm kế toán cần biết cách lấy dữ liệu, tức là đưa ra yêu cầu cụ thể đối với các bộ phận liên quan (bộ phận kỹ thuật, kinh doanh, chiến lược, thẩm định giá…) để họ có thể cung cấp được dữ liệu theo đúng yêu cầu cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính;
Thứ tư, khi đã có dữ liệu được cung cấp, người làm kế toán cần có các kỹ năng để xử lý dữ liệu và trình bày các dữ liệu đó trên BCTC, biến các con số khô khan trở thành các con số biết nói và phải có các kiến thức về kê khai, quyết toán thuế để thực nghĩa nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước .
Thứ năm, nhiều quy định của IFRS yêu cầu sử dụng các kỹ năng tính toán tài chính, như tính dòng tiền chiết khấu, xác định giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, ước tính tổn thất…Ngoài ra, do nhiệm vụ của kế toán là cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định quản lý của chủ doanh nghiệp nên người làm kế toán phải có được các kiến thức về tài chính, nắm được kỹ năng tổng hợp và phân tích thông tin tài chính quá khứ và dự báo trong tương lai.
Kết luận
Để áp dụng IFRS trong thời gian tới thành công đòi hỏi người lãnh đạo phải xác định tầm nhìn, chiến lược và xây dựng cho mình một lộ trình triển khai bài bản và chỉn chu. Việc lựa chọn một giải pháp ERP được nhiều doanh nghiệp lớn tin dùng và triển khai thành công chính là bí quyết mà mỗi doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình thực hiện.