Tóm tắt nội dung
Hiện nay, vấn đề chuyển đổi số đã quá nhiều phương tiện truyền thông nói đến và đây là một xu thế tất yếu cho mọi tổ chức và doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu chuyển đổi số kinh doanh là gì? Vì sao nó quan trọng với doanh nghiệp đến vậy?
Nếu không cập nhật và bắt kịp với thời đại số, mọi doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ nội bộ cho đến khách hàng:
- Hệ thống quản trị yếu kém, tốn nhiều chi phí quản lý.
- Không phát triển được các sản phẩm dịch vụ mới.
- Khả năng tiếp cận khách hàng kém.
- Không thể giữ chân khách hàng cũ.
- Không tạo ra giá trị phù hợp, doanh số tụt dốc.
…
Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số kinh doanh được thể hiện ở đâu và làm sao để vận hành hệ thống đã được số hóa? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Chuyển đổi số kinh doanh là gì?
Khái niệm
Chuyển đổi số kinh doanh là việc doanh nghiệp triển khai mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh đều được xây dựng dựa trên nền tảng kỹ thuật số.
Các mô hình công nghệ và mô hình kinh doanh cần phải làm nền tảng cho sự phát triển trong quá trình chuyển đổi số kinh doanh, đòi hỏi sự linh hoạt chứ không được cố định một cách cứng nhắc.
Doanh nghiệp thay đổi theo thời gian và ở một mức độ nào đó, hoặc thay đổi theo từng ngành nghề và khu vực kinh tế chứ không thể thay đổi trên diện rộng ngay lập tức được, vì điều kiện về nguồn lực không cho phép.
Công nghệ cho chuyển đổi số kinh doanh
Thực tế hiện nay có một số công nghệ quan trọng và đáng kể nhất đối với chuyển đổi số trong kinh doanh có thể kể đến như:
• Các công cụ phân tích và các ứng dụng, bao gồm cả phân tích dữ liệu lớn
• Các công cụ di động và ứng dụng di động
• Các nền tảng được xây dựng dựa trên các nền tảng gốc có thể chia sẻ, ví dụ như đám mây, chợ ứng dụng
• Các công cụ mạng xã hội và ứng dụng marketing online
• Internet kết nối vạn vật (IoT), bao gồm cả các thiết bị thông minh.
• Công nghệ in 3D
…
Các công nghệ kỹ thuật số này, có ảnh hưởng sâu sắc đến cách thức tổ chức và ngành công nghiệp đang chuyển đổi, thường là kết quả của những mô hình kinh doanh dựa trên những công nghệ mới.
Sự thay đổi mang tính tổ chức khi kết hợp với công nghệ số có khả năng cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, doanh nghiệp có thể đạt được việc nâng cao hiệu quả kinh doanh trong các lĩnh vực như sau: tăng doanh thu, giảm chi phí, đổi mới nhanh hơn, thành công hơn trong việc sáng tạo, hiệu quả hơn trong việc thu thập và học hỏi các kinh nghiệm, chia sẻ và sử dụng, tăng cường sự tham gia của khách hàng và dịch vụ khách hàng, và cuối cùng là chống lại sự gián đoạn kỹ thuật số.
Những cải tiến về mặt hiệu suất này có thể được định lượng vì các chỉ số có thể đo lường được và được báo cáo một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ví dụ về sự gia tăng hiệu quả và nâng cao hiệu suất khi kết hợp với chuyển đổi số đó là hãng Target – một nhà bán lẻ lớn của Mỹ đã áp dụng công nghệ theo dõi và phán đoán hành vi của khách hàng mua hàng trực tuyến thông qua công thức và hành vi mua hàng kết hợp với phân tích dữ liệu lớn.
Target đã phân tích dữ liệu hành vi mua hàng trực tuyến của khách hàng
Thông qua việc phân tích dữ liệu lớn về hành vi của khách hàng, Target có thể đưa ra được gợi ý mua hàng chính xác theo mong muốn và suy nghĩ của khách hàng, từ đó doanh số bán hàng của hãng cũng gia tăng, thu hút được thêm nhiều khách hàng mới.
Quá trình chuyển đổi số trong kinh doanh
Chuyển đổi số trong kinh doanh không phải là một trạng thái đứng im mà nó là một quá trình, và quá trình này được định hướng bởi ba câu hỏi dưới đây:
• Tại sao phải thực hiện chuyển đổi số?
• Chuyển đổi số là làm gì?
• Làm thế nào để chuyển đổi số thành công?
Tại sao phải thực hiện chuyển đổi số?
Câu hỏi tại sao phải chuyển đổi số chính là bước đầu của một quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp, tổ chức. Chúng ta đều biết rằng, chuyển đổi số là một quá trình khó khăn và thử thách, các doanh nghiệp và tổ chức cần phải nhận thức một cách rõ ràng và phải đáp ứng kịp thời một cách tốt nhất quá trình thay đổi này.
Các doanh nghiệp, tổ chức khác nhau sẽ có những thách thức khác nhau, nhưng các nguy cơ và thách thức xảy đến nhiều hơn với ngành bán lẻ, ngành dịch vụ và ngành truyền thông, nghành công nghệ hơn vì những ngành này gần nhất với khái niệm “kỹ thuật số”.
Ví dụ như người tiêu dùng ngày nay thường tìm kiếm và tra cứu thông tin một cách rất cẩn thận và đa dạng trước khi ra quyết định mua hàng. Họ tìm kiếm và so sánh giá cả, chất lượng, khuyến mại, và các ý kiến của khách hàng đã sử dụng sản phẩm, từ đó tối ưu hóa lợi ích cho chính họ.
Khách hàng sử dụng điện thoại di động, tìm kiếm trên mạng Internet không dây hoặc 4G, 5G và ra quyết định mua cũng bằng chiếc điện thoại hoặc máy tính của mình. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta phải thực hiện chuyển đổi số sớm vì hành vi của khách hàng hiện nay thay đổi rất nhanh.
Động lực để phải thay đổi và bước vào giai đoạn chuyển đổi số cũng có thể đến từ các hãng dẫn đầu thị trường và các đối thủ cạnh tranh mới với các dịch vụ ngày càng nâng cao, mô hình kinh doanh mới, giá tốt hơn, thời gian và chi phí thấp hơn, khách hàng hài lòng hơn.
Có thể kể đến những công ty như Google, Microsoft, Amazon hay Apple đang dẫn đầu thị trường những sản phẩm phần cứng hoặc dịch vụ phần mềm với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng và tự chủ của mình, họ đã làm chủ cuộc chơi trong quá trình chuyển đổi số. Nếu chúng ta không nhìn theo họ, học hỏi và làm theo họ thì chúng ta sẽ bị tụt hậu rất sâu và rất lâu ở phía sau của quá trình chuyển đổi này. Bản thân những hãng này cũng có thể bị tụt hậu nếu bị xẩy chân ở những thương vụ đầu tư sai hoặc chuyển đổi không kịp trong quá trình cạnh tranh với thị trường.
Một áp lực khác cũng là động lực cho sự thay đổi có thể đến từ những công nghệ mới và tiên tiến, những công nghệ mới nổi hoặc công nghệ của tương lai cho phép những doanh nghiệp sở hữu công nghệ đó có thể tạo ra được những đột phá và độc quyền khai thác các yếu tố này trong thời gian dài, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường.
Rõ ràng và dễ hiểu, những công nghệ mới này có thể cung cấp thêm các điểm khác biệt cạnh tranh nếu được áp dụng trước, hoặc được nội địa hóa và tích hợp theo những cách mới.
Ví dụ như hãng bán lẻ Amazon.com là gã khổng lồ số một nước Mỹ trong thị trường bán lẻ trực tuyến lại mở rộng ảnh hưởng bằng cách tạo ra các điểm bán truyền thống (mua lại chuỗi Whole Foods, mở chuỗi bán lẻ Amazon Go với nhiều công nghệ bán hàng điện tử rất mới tại cửa hàng vật lý và không sử dụng người bán), trong khi đó hoạt động bán lẻ trực tuyến của Amazon.com lại kết hợp với các giải pháp giao hàng mới như giao hàng bằng máy bay không người lái, giao hàng bằng xe tải không người lái, giao hàng tại các điểm nhận hàng là tủ thông minh…
Một ví dụ khác để làm rõ vấn đề này hơn, hãng Microsoft đã dần dịch chuyển và thay đổi các dịch vụ là các phần mềm cài đặt trên máy tính hoặc thiết bị di động phải cài đặt trở thành các dịch vụ trực tuyến (không cần cài đặt), thay vì người dùng trả phí mua phần mềm trọn đời thì nay sẽ trả phí theo dạng “thuê bao hàng tháng” và hướng tới các thiết bị di động sử dụng các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến của hãng. Điều này đã làm tăng doanh thu của hãng lên rất nhiều so với trước đây và khách hàng lưu trữ dữ liệu trực tuyến trên đám mây rất thuận tiện.
Chuyển đổi số là chuyển đổi điều gì?
Quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra trong nhiều giai đoạn và biến đổi nhiều thứ. Vậy những thứ sẽ biến đổi là thứ gì và phải ưu tiên theo thứ tự. Cụ thể chuyển đổi số bao gồm việc chuyển đổi các yếu tố sau:
- Chuyển đổi mô hình kinh doanh: Trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp, tổ chức kiếm tiền bằng cách nào?
- Cấu trúc của doanh nghiệp, tổ chức: Doanh nghiệp và tổ chức được tổ chức sắp xếp như thế nào?
- Con người hay nhân sự của doanh nghiệp và tổ chức: Những ai, số lượng là bao nhiêu, cần những trình độ và kỹ năng gì, sắp xếp công việc cho nhân sự, ứng dụng những công nghệ gì cho nhân sự…?
- Quy trình hóa và số hóa quy trình: trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp hoặc tổ chức sẽ tạo ra những quy trình gì mới, và làm sao để số hóa được quy trình đó?
- Năng lực ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin: làm sao doanh nghiệp có thể kiểm soát thông tin, học tập và ứng dụng công nghệ mới (ví dụ như dữ liệu lớn, trí tuệ thông minh nhân tạo, in 3D…) vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình?
- Chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ: trả lời cho câu hỏi, doanh nghiệp hoặc cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh thì bán sản phẩm gì, dịch vụ gì cho thị trường? Sản phẩm và dịch vụ đó có yếu tố số hóa và chuyển đổi như thế nào? Ví dụ từ máy ảnh phim lên máy ảnh số, từ máy ảnh số lên điện thoại di động có chức năng chụp hình?
- Mô hình tương tác với truyền thông xã hội: trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp hoặc tổ chức sẽ tương tác với khách hàng hiện tại, khách hàng mục tiêu, cổ đông, báo chí và những người quan tâm khác như thế nào, bằng kênh nào…?
Làm thế nào để chuyển đổi số thành công?
Để chuyển đổi số thành công, chúng ta cần hội tụ đủ ba yếu tố: Gồm sự nhận thức mạnh mẽ về chuyển đổi số, kết hợp với khả năng ra quyết định mang tính chiến lược và khả năng áp dụng nhanh chóng.
Sự nhận thức
Đối với doanh nghiệp hoặc tổ chức thì sự nhận thức là khả năng tổ chức đó có thể hoặc có khả năng nhìn nhận tương lai, đoán được tương lai hoặc đi theo xu hướng của tương lai vì rủi ro bị công nghệ bỏ lại phía sau là rất cao trong bối cảnh Internet và công nghệ bùng nổ như hiện nay.
Một ví dụ về sự thay đổi chậm chạp đã giết chết mô hình kinh doanh của hãng Blockbuster (một hệ thống cho thuê phim), hãng này bị phá sản vì không kịp chuyển đổi số, khi mà hiện nay phần lớn các máy tính không còn có đầu đọc đĩa DVD.
Nguyên nhân thất bại của Blockbuster có phải là khách hàng không còn xem phim nữa? Không phải vậy, khách hàng xem phim nhiều hơn, xem mọi lúc, mọi nơi, nhưng họ xem trên máy tính, tivi thông minh và ứng dụng trên điện thoại di động của họ với dịch vụ cho thuê phim trực tuyến.
Chỉ cần một tài khoản là bạn có thể đăng nhập xem bất kỳ bộ phim nào với rất nhiều nền tảng và thiết bị xem phim khác nhau. Đây chính là lý do làm nên chiến thắng của hàng Netflix.
Khả năng ra quyết định chiến lược
Các quyết định chiến lược đều mang tính rủi ro, quyết định đúng thì thành công, mà quyết định sai thì thất bại hoặc bị phá sản. Các quyết định của ban lãnh đạo ngày nay không chỉ phụ thuộc vào cảm tính, sự sáng tạo và óc quyết đoán, mà còn phải dựa trên rất nhiều dữ liệu thống kê và số liệu phân tích, các bản báo cáo chỉ ra các xu hướng ngắn hạn, xu hướng dài hạn.
Để đưa ra được các quyết định thành công, ban lãnh đạo doanh nghiệp phải hiểu rõ tình hình nội bộ, các công nghệ cho phép làm việc từ xa, thời gian trả lời các câu hỏi của nhân sự, khách hàng, xử lý các biến đổi trong quá trình kinh doanh như thế nào.
Khả năng ứng dụng
Khả năng ứng dụng nhanh chóng thể hiện khi doanh nghiệp ra quyết định sử dụng một hệ thống công nghệ nào đó từ phần cứng đến phần mềm, hoặc sử dụng một mô hình mới sau quá trình thuê tư vấn, thì doanh nghiệp và đội ngũ của doanh nghiệp cần phải áp dụng được, ứng dụng được và nâng cao hiệu quả.
Có thể với những hệ thống lớn, quá trình học hỏi mất khoảng 1 năm, nhưng quá trình thực hiện và ứng dụng thành công có thể mất 2-3 năm. Quá trình này sẽ diễn ra theo cách:
Thực hiện → thất bại → điều chỉnh → thực hiện lại, thử lại và dần dần trở nên tốt hơn.
Thực tế, kể cả những hãng rất thành công trong quá trình chuyển đổi số hoặc những hãng đó trở thành biểu tượng cho những doanh nghiệp khác học hỏi thì vẫn có thể thất bại. Hãng Microsoft đã không thành công với sản phẩm phần cứng điện thoại di động dù đã mua lại Nokia và hệ điều hành cho thiết bị di động
Đại gia công nghệ Google vẫn thất bại với chính mạng xã hội Google Wave, thất bại đến hai lần, dù họ đã cố gắng cho ra mắt mạng xã hội mới là Google Plus.
Kết luận
Như vậy, chuyển đổi số trong kinh doanh là làm kinh doanh thì phải chuyển đổi, mà phải chuyển đổi theo hướng số hóa quy trình sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp hay những người khởi nghiệp kinh doanh cũng cần phải chuẩn bị cho sự thay đổi sẽ diễn ra liên tục và vô cùng khắc nghiệt này.
Chuyển đổi có thể vẫn không thành công nếu chuyển đổi sai cách nhưng nếu không chuyển đổi thì chắc chắn thất bại.
Thực tế hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam cũng có không ít các doanh nghiệp đánh giá không đúng tầm quan trọng của chuyển đổi số kinh doanh nên bị rơi vào giai đoạn gián đoạn số (tức là không chịu chuyển đổi) và có nguy cơ bị tụt hậu và phá sản là rất cao.