Tóm tắt nội dung
Hiện nay, chúng ta gần như đã không còn xa lạ với cụm từ “chuyển đổi số” nữa. 2-3 năm trở lại đây, chuyển đổi số được nhắc tới nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những cụm từ, câu hỏi “Chuyển đổi số hay là chết“, “chuyển đổi số sống sót và bứt phá” là những câu nói cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số với doan nghiệp, quốc gia.
Khái niệm chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số (CĐS) có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực, bởi vậy ở mỗi lĩnh vực chúng sẽ mang lại mục đích khác nhau. Do đó, chưa có một định nghĩa nào rõ ràng, cụ thể về “chuyển đổi số”. Tuy nhiên, có thể định nghĩa chuyển đổi số một cách dễ hiểu và ngắn gọn như sau:
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp đầy đủ các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, ứng dụng các công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình CĐS trong kinh doanh và đem đến những giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp. CĐS còn là sự thay đổi về văn hóa của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp cần liên tục cập nhật, thay đổi theo những cái mới, và thoải mái chấp nhận những điều thất bại.
Đối với Việt Nam, “chuyển đổi số” còn được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi mô hình doanh nghiệp từ dạng truyền thống sang dạng doanh nghiệp số. Dựa trên những ứng dụng công nghệ mới (Bigdata), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…. Để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình thực hiện, văn hóa của doanh nghiệp. Không chỉ giữ vai trò quan trọng ở các doanh nghiệp mà CĐS còn có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội như: Chính phủ, y học khoa học, truyền thông đại chúng….
Đa số, các doanh nghiệp thường hay nhầm lẫn khái niệm giữa “chuyển đổi số” (Digital Transformation) với “Số hóa” (Digitizing). Để phân biệt rõ hai khái niệm này, có thể hiểu đơn giản “số hóa” là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (như việc chuyển từ tài liệu số sang file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ analog sang phát sóng kỹ thuật…). Trong khi đó, “chuyển đổi số” là việc khai thác toàn bộ những dữ liệu có quá trình số hóa, áp dụng công nghệ phân tích, biến đổi dữ liệu để tạo ra những giá trị mới. Cũng có thể coi “số hóa” như là một phần của quá trình “chuyển đổi số”.
Vai trò của chuyển đổi số
Có thể hiểu, CĐS là tổng thể công nghệ số hóa dữ liệu và ứng dụng dữ liệu dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Công nghệ ở đây được hiểu là một hệ thống, trong đó có trang thiết bị kỹ thuật số, có các chương trình kỹ thuật số, có dữ liệu đầu vào ở dạng số, có con người, có phương thức tổ chức hoạt động… liên kết, tác động qua lại lẫn nhau và cho kết quả đầu ra những sản phẩm có hiệu suất lớn về giá trị sản xuất.
Về vị trí, có thể thấy CĐS là nội dung cơ bản trong trụ cột kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. CĐS đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện nay, khái niệm CĐS đã trở nên phổ biến, lan tỏa trên toàn xã hội. Trong đó, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem CĐSlà xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo khảo sát năm 2018 của IDC, CĐS đã trở thành chiến lược của các doanh nghiệp, tổ chức trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số, 30% lãnh đạo doanh nghiệp xem CĐS là vấn đề sống còn.
CĐS đối với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước giúp xây dựng nên những cơ sở dữ liệu từ giá trị thực (biến đổi giá trị nghe, nhìn, cảm nhận được từ thế giới thực) sang dạng số (dạng điện toán được lưu trữ trên máy tính), nên rất thuận lợi cho việc quản lý, khai thác sử dụng. Dữ liệu số hóa đã trở thành tài sản của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Dữ liệu ngành càng được bổ sung, liên kết, tích hợp với nhau đã giảm được nhiều kinh phí xây dựng dữ liệu đơn lẻ, không đồng bộ như trước đây.
CĐS giúp doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước không những giải quyết công việc hiện tại hiệu quả mà quan trọng hơn là hoạch định được tầm nhìn chiến lược để thực hiện Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có hiệu quả nhất. Thay đổi phương thức quản lý của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng đơn giản về cơ cấu, logic, kế thừa và hiệu quả về hoạt động, hội nhập với quốc tế. Tạo ra những thay đổi lớn trong chuỗi giá trị hàng hóa và cung ứng sản phẩm; tự động hóa nâng cao hiệu suất công việc, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, gia tăng mạnh mẽ giá trị sản xuất, chất lượng dịch vụ công.
Tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi trong doanh nghiệp
Báo cáo đến từ những công ty chuyên nghiên cứu thị trường lớn như IDC, Gartner,… đều cho thấy CĐS thực sự rất quan trọng và nhiều lợi ích của chuyển đổi số có ảnh hưởng tới mọi mặt hoạt động doanh nghiệp. Những lợi ích dễ dàng nhận biết nhất của CĐS trong doanh nghiệp đó là giảm chi phí vận hành, tiếp cận khách hàng trong thời gian dài, lãnh đạo dễ dàng báo cáo kịp thời và tối ưu hóa được năng suất công việc cho nhân viên… Những điều này làm tăng tính hiệu quả cũng như sự cạnh tranh tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Đối với con người bình thường, CĐS làm thay đổi phong cách sống của chúng ta. Đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình cùng phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước.
Nhìn chung, dựa theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp CĐS bao gồm: Tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất nhân viên,…
Dựa trên nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực Châu Á, năm 2017 CĐS mang đến tác động GDP khoảng 6%, năm 2019 là 25%, cho tới 2021 là 60%.
Tốc độ CĐS ở những khu vực quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển của công nghệ cũng như tốc độ của mô hình doanh nghiệp. Hiện nay, khu vực Châu Âu đang là khu vực được đánh giá có tốc độ chuyển đổi nhanh nhất. Ở Việt Nam, mô hình CĐS đã và đang tạo ra nhiều dịch vụ có ích cho nhân dân và tận dụng hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Tuy nhiên, họ cũng đang tạo ra những mẫu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp doanh nghiệp khởi nghiệp giành được lợi thế ở thị trường công nghiệp truyền thống. Với dân số hiện tại của Việt Nam là gần 100 triệu dân và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ nhất nhì tại khu vực, nắm giữ dân số trẻ, năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao, nhanh chóng. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để những doanh nghiệp tại Việt Nam tạo sự đột phá trên thị trường CĐS.