Tóm tắt nội dung
Doanh nghiệp nên chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng như thế nào để tối ưu hóa năng suất? Bài viết hướng dẫn doanh nghiệp cách áp dụng công nghệ số vào tổ chức hoạt động bán hàng nhằm tăng hiệu quả hoạt động.
Những thách thức khi không chuyển đổi số hoạt động bán hàng
Công nghệ số càng phát triển thì hoạt động bán hàng thủ công truyền thống càng không còn phù hợp. Doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức dẫn tới nhu cầu tất yếu phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu hoạt động kinh doanh.
Các thách thức này đến từ nội tại doanh nghiệp và đến từ sự thay đổi hành vi khách hàng.
Từ nội tại doanh nghiệp, tồn tại 5 thách thức chính.
1. Không chuyển đổi số hoạt động bán hàng làm thất thoát thông tin khách hàng
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu, thông tin khách hàng bằng file Excel hay Google Trang tính theo mỗi nhân viên kinh doanh hoặc bộ phận phụ trách. Các thông tin này có thể bị mất khiến doanh nghiệp mất mối quan hệ khách hàng.
Một vấn đề khác là thông tin giữa các bộ phận được lưu trữ rời rạc tại từng bộ phận mà không có sự liên kết giữa các bộ phận.
2. Chưa có quy trình bán hàng bài bản và chuyên nghiệp
Doanh nghiệp chưa có quy trình bán hàng chung nên doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc nhân rộng đội ngũ dẫn tới khó có thể phát triển nhanh.
Các nhân viên kinh doanh thì chủ yếu bán bằng kinh nghiệm. Điều này dẫn tới việc nhân viên mới khó tiếp cận được hoạt động bán hàng, mất nhiều thời gian để học hỏi, thích nghi.
3. Thời gian chốt cơ hội bán hàng kéo dài và tỷ lệ thắng thấp
Mặc dù doanh nghiệp đang có nhiều khách hàng tiềm năng tìm đến nhưng tỷ lệ chốt sale thành công của doanh nghiệp không cao.
Ví dụ có 100 cơ hội bán hàng nhưng chỉ 10 người trở thành khách hàng của doanh nghiệp, trong khi đó có tới 90 khách hàng tiềm năng còn lại không mua hàng.
4. Không áp dụng chuyển đổi số trong bán hàng dẫn tới thiếu hệ thống báo cáo, phân tích
Nếu không áp dụng công nghệ, doanh nghiệp sẽ thiếu hệ thống báo cáo, phân tích để đưa ra các quyết định điều hành kịp thời.
Nhà quản lý phải ra quyết định dựa trên dữ liệu chứ không phải dựa trên cảm tính. Thiếu hệ thống báo cáo, phân tích thông tin để ra quyết định cũng là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
5. Thiếu liên kết giữa các bộ phận trong doanh nghiệp
Các doanh nghiệp hiện nay đang thiếu liên kết giữa các bộ phận trong doanh nghiệp. Khi chuyển dữ liệu cho các bộ phận khác không có công cụ tự động dẫn tới chuyển thông tin khách hàng sơ sài, thiếu sót, việc lập lại thông tin giao dịch khiến công việc chồng chéo, dẫn đến chậm trễ trong phục vụ khách hàng, gây mất uy tín.
Bên cạnh những thách thức từ nội tại doanh nghiệp, sự thay đổi hành vi của khách hàng cũng là nguyên nhân thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong bán hàng.
6. Hành vi mua hàng đang “online hóa”
Sự phát triển vượt bậc của internet đã tạo nên những thay đổi lớn trong thói quen và hành vi mua của khách hàng. Đặc biệt tác động của dịch Covid-19 đã thúc đẩy và thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ mua hàng offline sang online.
7. Khách hàng đang ngày càng yêu cầu cao hơn
Khách hàng đang ngày càng yêu cầu cao hơn, và khó tính hơn. Họ có thể yêu cầu cung cấp nhiều thông tin hơn về sản phẩm, tìm hiểu kỹ hơn trước khi mua hàng. Khách hàng cũng ngày càng kỳ vọng cao hơn về giá trị gia tăng của sản phẩm và thêm nhiều các yêu cầu cá nhân khác.
Những thách thức này đã đặt ra vấn đề đòi hỏi doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng để chăm sóc khách hàng tốt hơn, tối ưu hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu suất và tăng trưởng doanh số.
Chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng sẽ mang lại các lợi ích gì cho doanh nghiệp?
1. Quản lý dữ liệu khách hàng
Chuyển đổi số trong bán hàng giúp doanh nghiệp quản lý dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp không còn đau đầu về việc thất thoát data khách hàng.
2. Xây dựng quy trình bán hàng phù hợp với doanh nghiệp
Bài toán này sẽ được giải quyết bằng hệ thống phần mềm với tính năng thiết lập các quy trình bán hàng phù hợp với từng doanh nghiệp.
3. Phát huy sức mạnh cả tổ chức để gia tăng khách hàng, doanh số
Trong kinh doanh cần huy động cả tổ chức tham gia bán hàng chứ không phải là công việc của riêng sale. Muốn như vậy thì doanh nghiệp cần có cơ chế, công cụ để các bộ phận có thể tham gia đóng góp.
4. Hệ thống báo cáo, phân tích đa dạng giúp ra quyết định kịp thời
Các phần mềm công nghệ giúp lập các báo cáo quản lý một cách nhanh chóng và được cập nhật theo thời gian thực giúp nhà quản lý có thể xem báo cáo ngay lập tức thay vì phải chờ tới cuối tháng để được xem báo cáo từ cấp dưới.
Với hệ thống báo cáo đa chiều, nhà quản lý sẽ có số liệu kịp thời để ra các quyết định kinh doanh giúp đạt mục tiêu doanh số.
5. Liên thông dữ liệu bên trong và bên ngoài
Áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng đòi hỏi các công cụ phải có khả năng kế thừa dữ liệu, dữ liệu được kết nối và thông suốt với các ứng dụng bên trong và bên ngoài.
Vậy chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng như thế nào?
Các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng
Chuyển đổi số trong bán hàng là việc vận dụng, áp dụng công nghệ số để giải quyết những vấn đề và khó khăn trong tổ chức hoạt động bán hàng.
Hiện nay có rất nhiều công cụ hỗ trợ hành trình chuyển đổi số trong bán hàng, nâng cao hiệu suất bán hàng. Quá nhiều công cụ có thể sẽ khiến doanh nghiệp băn khoăn, không biết bắt đầu từ đâu.
Việc lựa chọn các giải pháp công nghệ có thể được nghiên cứu theo chu trình bán hàng của doanh nghiệp.
Ở giai đoạn tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp nên cân nhắc triển khai các công cụ hỗ trợ xây dựng website để chuyển đổi khách hàng tốt hơn; công cụ Call center – SMS nếu doanh nghiệp triển khai telesale; công cụ Email & Automation Marketing để chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn.
Để giải quyết các nghiệp vụ về bán hàng, doanh nghiệp nên ưu tiên triển các phần mềm bán hàng để giải quyết những bài toán hỗ trợ các nghiệp vụ bán hàng như lưu trữ thông tin khách hàng, báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu doanh số, quản lý đội sale, theo dõi lịch sử chăm sóc và giao dịch với khách hàng.
Ngoài ra doanh nghiệp có thể nghiên cứu thêm các giải pháp hỗ trợ giao hàng và thanh toán để phục vụ khách hàng nhanh và tốt hơn.
Cuối cùng, ở chu trình chăm sóc khách hàng, doanh nghiệp nên triển khai các công cụ giúp hỗ trợ và chăm sóc khách hàng để gia tăng sự hài lòng của khách hàng từ đó có thêm cơ hội bán hàng mới.
Lời kết
Chuyển đổi số trong bán hàng mang lại rất nhiều lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Việc áp dụng các công cụ vào giải quyết các thách thức trong bán hàng giúp doanh nghiệp xử lý những bài toán về nghiệp vụ hiệu quả hơn từ đó nâng cao năng suất và tăng trưởng doanh số. Doanh nghiệp cần cân nhắc nhu cầu của mình để triển khai các giải pháp phù hợp tránh lãng phí nguồn lực.