Tóm tắt nội dung
E-learning là một trong những giải pháp học tập tối ưu nhất hiện nay, nhất là khi đại dịch Covid 19 lan rộng. Vậy hình thức này có những giai đoạn phát triển và ưu điểm gì? Hãy cùng IDA tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
E-Learning và các giai đoạn phát triển
Học tập trực tuyến và xây dựng môi trường học tập trực tuyến hiện đang được quan tâm chú ý và đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta nói chung, tại các doanh nghiệp nói riêng với phạm vi và mức độ khác nhau. Đào tạo trực tuyến (E-learning) là một phương pháp đào tạo tiên tiến, toàn diện, có khả năng kết nối và chia sẻ tri thức hiệu quả.
Sự ra đời của E-learning đã đánh dấu bước ngoặt mới trong việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Song song với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT&TT, E-Learning đã trở thành một xu thế học tập mới của thế giới đương đại, môi trường học tập E-Learning tạo ra cơ hội cho người học khi tham gia các khóa học được tự do lựa chọn thời gian, địa điểm và trình độ thích hợp để học tập.
Hệ thống E-Learning phân phối các nội dung học thông qua các công cụ điện tử hiện đại: Điện thoại thông minh, laptop, mạng Internet, Intranet,..trong đó, nội dung học được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú: text, audio, video, mô phỏng.
Trong môi trường học tập này, không chỉ người dạy và người học mà tất cả các thành viên tham gia đào tạo qua E-Learning đều có thể dễ dàng giao tiếp với nhau qua hệ thống mạng máy tính dưới các hình thức như: thư điện tử, thảo luận trực tuyến, diễn đàn, hội thảo video…
Thậm chí có thể nghe được giọng nói và nhìn thấy hình ảnh của người giao tiếp trên màn hình. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, hệ thống ELearning không chỉ là môi trường cung cấp học liệu và kênh giao tiếp thuần túy giữa người dạy và người học mà hệ thống còn đóng vai trò như một cố vấn hướng dẫn học tập tích cực.
Cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) có vai trò ngày càng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số có vai trò quan trọng đối với E-Learning là vấn đề không thể phủ nhận. Bởi, đặc thù của phương thức giảng dạy ELearning là dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, chủ yếu là dựa trên hạ tầng CNTT, vì thế, công nghệ thực tế ảo sẽ dần thay đổi cách dạy và học truyền thống với việc các hình thức giáo dục, đào tạo mới ra đời và phát triển mạnh như:
Cousera; Khan Academy, Edu Mall,…
Học viên có thể đeo kính thực tế ảo (VR) và ngồi ở nhà nhưng vẫn cảm giác như đang ngồi trên giảng đường nghe bài giảng, với sự hỗ trợ của tai nghe, máy tính, laptop hoặc smartphone và các thiết bị truyền tin thông minh.
Học viên cũng có thể truy cập Internet ở bất kỳ nơi nào để nghe bài giảng; Thi hoặc truy cập tài liệu nghiên cứu dựa trên nền tảng CNTT được số hóa; ngay cả các buổi serminar, học viên không nhất thiết phải có mặt, các em có thể dễ dàng nghe, phát biểu xây dựng bài học thông qua các thiết bị điện tử hiện đại.
E-Learning là một hệ thống học tập trực tuyến qua môi trường mạng Internet, dựa trên nền tảng công nghệ Web. Từ khi ra đời cho đến nay cùng với những phát triển công nghệ, E-Learning đã trải qua ba giai đoạn phát triển:
Giai đoạn 1: E-Learning 1.0: Hệ thống E-Learning chủ yếu cung cấp cho người học tài nguyên học tập dưới dạng các trang web tĩnh, và không có nhiều công cụ để hỗ trợ người học trong quá trình học tập;
Giai đoạn 2: E-Learning 2.0: Các hệ thống E-Learning cung cấp cho người học hệ thống nội dung học liệu dưới các hình thức text, video, và một kênh thảo luận nhóm dưới dạng text đơn thuần;
Giai đoạn 3: E-Learning 3.0-4.0: E-Learning bắt đầu cung cấp cho người học các nội dung học tập một cách mềm dẻo, linh hoạt tùy theo hành vi tương tác của người học trên hệ thống, và hệ thống E-Learning cũng cung cấp cho người học nhiều công cụ hỗ trợ như: chat, video call online,…
Những ưu điểm của E-Learning
Học tập thông quan E-Learning có nhiều ưu điểm với người học so với học tập truyền thống như:
- Không bị giới hạn bởi không gian và thời gian
Sự phổ cập của Internet đã làm mờ đi khoảng cách về thời gian và không gian cho E-Learning. Một khoá học E-Learning được chuyển tải qua mạng tới thiết bị điện tử thông minh có kết nối internet: Laptop, Smartphone,..của người học, điều này cho phép các học viên học bất cứ không gian và thời gian nào khi người học có thể học;
- Tính hấp dẫn
Với sự hỗ trợ của công nghệ Multimedia, những bài giảng tích hợp text,
hình ảnh minh hoạ, âm thanh tăng thêm tính hấp dẫn cho nội dung bài học. Thông
qua các thiết bị điện tử thông minh, người học không chỉ nghe giảng mà còn được
xem những ví dụ minh hoạ trực quan và tương tác trực diện với giảng viên và bài
học nên khả năng lĩnh hội kiến thức tăng lên;
- Tính linh hoạt
Nhu cầu của người học luôn là ưu tiên hàng đầu trong một khoá học E-Learning mà không nhất thiết phải bám theo một thời gian biểu cố định. Do vậy, người học có thể tự điều chỉnh quá trình học, lựa chọn cách học phù hợp nhất với thời gian và điều
kiện của cá nhân;
- Dễ tiếp cận và truy nhập ngẫu nhiên
Điều này có được bởi, trước khi lựa chọn khóa học, người học được quyền biết trước bảng danh mục bài giảng, vì vậy tạo điều kiện thuận lợi để học viên lựa chọn đơn vị tri thức, tài liệu một cách tuỳ theo trình độ kiến thức và điều kiện truy cập mạng của mình;
Học viên tự tìm ra các kĩ năng học cho riêng mình với sự giúp đỡ của những tài liệu trực tuyến;
- Tính cập nhật
Nội dung, hình thức khoá học thường xuyên được cập nhật và đổi mới nhằm đáp ứng và phù hợp tốt nhất cho học viên. Tuy vậy, hiện nay, E-Learning chưa thể thay thế hoàn toàn phương pháp giảng dạy truyền thống bởi các lí do sau đây:
Phương pháp dạy học truyền thống vẫn là phương thức chủ yếu và phổ biến bởi phù hợp với tất cả các người học và gắn liền với mỗi người học. Với cách học truyền thống, người học cảm thấy an toàn hơn khi được nghe giảng trực tiếp, được giải quyết vấn đề trực tiếp với giảng viên, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.
Đối với những học viên không tự giác, không có thói quen tự làm việc hay chủ động làm việc thì cách học truyền thống ít nhiều cũng có tác động đến họ khi họ được học trực tiếp với giáo viên trên lớp. Giáo viên cũng có thể quan sát được thái độ học tập và khả năng học tập của mỗi học viên qua tiếp xúc trực tiếp.
Trong khi đó, mô hình đào tạo E-Learning không phải phù hợp với tất cả mọi người, nó chỉ phát huy hiệu quả khi người học có nhu cầu, có tính độc lập và tự giác cao.
Một số giải pháp phát triển E-Learning
Để phát huy những ưu điểm E-Learning và khắc phục những khó khăn, đặc biệt là việc sử dụng E-Learning cho công tác đào tạo tại doanh nghiệp, chúng tôi đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, trong điều kiện hiện nay, để hòa nhập và không bị lạc bước trong nền kinh tế số thì nhân tố đóng vai trò quyết định là chất lượng nguồn nhân lực và hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, cần phải cải cách hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học nhằm đảm bảo tính đồng bộ và tạo nền
tảng kiến thức vững chắc cho nguồn nhân lực.
Thứ hai, đẩy mạnh Mô hình giáo dục 4.0, đây là mô hình giáo dục thông minh, trên nền tảng mối quan hệ giữa 3 thành tố: Nhà trường – Doanh nghiệp và nhà quản lý nhằm tạo điều kiện để đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động trong xã hội tri thức. Giáo dục 4.0 sẽ giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc, mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa,hoàn toàn quyết định việc học tập theo nhu cầu của bản thân.
Thứ ba, chuyển mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo từ chú trọng giáo dục nhân cách nói chung sang kết hợp giữa giáo dục nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng trí tuệ của mỗi cá nhân, tức là đề cao và coi trọng phẩm chất, năng lực cá nhân người học sau quá trình đào tạo.
Thứ tư, cần phải đầu tư cho khoa học công nghệ, nhất là đầu tư cho phát triển CNTT trong quá trình đào tạo. Việc đầu tư này phải đặt lên đầu vì khi mà trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số phát triển như vũ bão thì hạ tầng, cơ sở vật chất cho việc đào tạo E-Learning sẽ nhanh chóng bị lạc hậu. Việc đầu tư có vai trò then chốt để đảm bảo cho phương thức đào tạo E-Learning luôn phát huy tối đa tính vượt trội so phương thức đào tạo truyền thống. Điều này các doanh nghiệp hoàn toàn có thể hỗ trợ các trường học, các Viện nghiên cứu nhằm phát triển các chương trình đào tạo cho người lao động theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Thứ năm, cần thường xuyên mở các lớp tập huấn,bồi dưỡng năng lực dạy học qua E-learning cho đội ngũ giảng dạy, đảm bảo mỗi giảng viên có thể thực hành và ứng dụng trong thực tiễn dạy học môn học của mình đảm nhiệm. Qua đó, giúp giảng viên nâng cao năng lực thiết kế, sắp xếp, tổ chức, giám sát, đánh giá các hoạt động học tập, thể hiện ở các kỹ năng: Xác định mục tiêu, nội dung cần phát triển cho người học; Thiết kế các hoạt động hướng dẫn học tập cụ thể trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Kết luận
CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có giáo dục – đào tạo. Bởi vậy, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục – đào tạo sẽ là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia hay của mỗi doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc học tập không chỉ giới hạn trong việc học trên ghế nhà trường mà là học suốt đời, học mọi lúc mọi nơi và học tập để đáp ứng nhu cầu công việc thực tiễn tại doanh nghiệp.
Giải pháp E-Learning có thể đáp ứng được hầu hết các nhu cầu trong đào tạo của mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng E-Learning vào những doanh nghiệp có quy mô nhân sự nhỏ hơn như dưới 50 nhân sự có vẻ chưa tận dụng được tối đa hiệu quả nó có thể mang lại, bởi quy mô nhân sự ít, không nhiều cơ sở cần đào tạo thì việc đào tạo truyền thống sẽ tiết kiệm chi phí hơn. Ngược lại, đối với những doanh nghiệp có quy mô nhân sự rộng hơn, việc đào tạo đòi hỏi phải lặp lại nhiều lần và mất nhiều thời gian hơn, thì E-Learning chính là một giải pháp đào tạo trực tuyến hiệu quả.
Giải pháp đào tạo trực tuyến E-Learning giúp doanh nghiệp đào tạo tới hàng nghìn nhân sự cùng lúc. Như vậy, việc đào tạo nhân sự sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn trong quy trình, đồng bộ hoá lượng kiến thức đào tạo tới tất cả nhân viên đáp ứng yêu cầu chất lượng nhân sự doanh nghiệp.