Tóm tắt nội dung
“Quản trị tài chính” là một từ khóa quen thuộc và được nhắc đến ngày càng nhiều hơn nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang ngày một hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Đối với doanh nghiệp, quản trị tài chính là một nội dung quan trọng của quản trị doanh nghiệp.
Vậy quản trị tài chính doanh nghiệp là gì? Vai trò của quản trị tài chính ra sao đối với hoạt động của doanh nghiệp?
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi đó.
Quản trị tài chính doanh nghiệp là gì?
Quản trị tài chính doanh nghiệp là việc lựa chọn, đưa ra quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định tài chính nhằm đạt được các mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.
Quản trị tài chính doanh nghiệp còn được nhìn nhận là quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện, điều chỉnh và kiểm soát quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp.
Vai trò của quản trị tài chính doanh nghiệp như thế nào?
Tất cả các quyết định chiến lược và chiến thuật của doanh nghiệp đều được lựa chọn chủ yếu dựa trên sự phân tích, đánh giá về mặt tài chính.
Vai trò của quản trị tài chính đối với hoạt động của doanh nghiệp được thể hiện qua các mặt chủ yếu sau:
Thứ nhất, huy động vốn đảm bảo cho các hoạt động của doanh nghiệp diễn ra bình thường và liên tục
Nhà quản trị tài chính trên cơ sở xem xét tình hình thị trường tài chính, nhu cầu vốn và điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định tối ưu nhất trong việc tổ chức huy động các nguồn vốn bên trong và bên ngoài đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động của doanh nghiệp
Một chính sách tài trợ đúng đắn không những giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro tài chính mà còn tác động rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.
Thứ hai, tổ chức sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Việc tổ chức huy động vốn kịp thời, đầy đủ sẽ giúp cho doanh nghiệp chớp được cơ hội kinh doanh, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Việc lựa chọn các hình thức và phương pháp huy động vốn thích hợp, đảm bảo cơ cấu vốn tối ưu có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt được chi phí sử dụng vốn, góp phần tăng lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Thứ ba, kiểm tra và giám sát một cách toàn diện các mặt của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông qua việc xem xét tình hình thu, chi tiền tệ hàng ngày và nhất là thông qua việc phân tích đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp và việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính, các nhà quản trị tài chính có thể kiểm soát kịp thời và toàn diện các mặt hoạt động của doanh nghiệp.
Từ đó, có thể chỉ ra những quyết định thích hợp, điều chỉnh các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu đề ra của doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy rằng: quản trị tài chính doanh nghiệp liên quan đến 3 loại quyết định chính: quyết định đầu tư, quyết định huy động vốn và quyết định phân phối lợi nhuận sao cho có lợi nhất cho chủ sở hữu doanh nghiệp. Hiện nay, vai trò của công tác tài chính đối với doanh nghiệp ngày càng được nhận thức một cách rõ ràng và sâu sắc hơn đối với các nhà quản trị doanh nghiệp.